Chứng chỉ CCNA là gì?
CCNA (Cisco Certified Network Associate) là chứng chỉ công nghệ thông tin (IT) cấp độ cơ bản do chính Cissco cung cấp. Chứng chỉ CCNA được thiết kế để kiểm tra kiến thức về các khái niệm cơ bản cần phải biết để có thể đảm nhiệm các vị trí CNTT.
Nội dung của chứng chỉ CCNA bao gồm các nguyên tắc cơ bản về mạng, dịch vụ IP, nguyên tắc bảo mật cơ bản, tự động hóa và khả năng lập trình. Việc đạt chứng chỉ CCNA chứng tỏ bạn có đủ khả năng nền tảng dù bạn muốn đi theo hướng nghề nghiệp nào trong lĩnh vực mạng.
Chứng chỉ CCNA là một trong những chứng chỉ nghề nghiệp hàng đầu trên thế giới và được hơn 150 quốc gia trên thế giới công nhận và sử dụng.
Dưới đây là các thông tin tóm tắt về chứng chỉ CCNA:
- Để có chứng chỉ CCNA, bạn cần phải vượt qua kỳ thi CCNA 200-301.
- Chi phí CCNA là 300 USD chưa tính thuế.
- Để tham gia kỳ thi không có điều kiện cụ thể nào cả nhưng tốt nhất bạn cần trải qua một khóa học và có kinh nghiệm về mạng máy tính.
- CCNA là chứng chỉ được yêu cầu phổ biến và đem đến rất nhiều cơ hội việc làm khi đạt chứng chỉ thành công.
Chi phí cho kỳ thi CCNA bao nhiêu?
Phí để tham gia kỳ thi CCNA là 300 USD tương đương với khoảng 6.600.000 VNĐ. Ta có thể sử dụng Cisco Learning Credits để trả chi phí cho kỳ thi. Đây là các khoản tín dụng trả trước mà công ty có thể mua cho nhân viên của họ.
Vì chi phí cũng khá là đắt nên nếu bạn muốn tiết kiệm chi phí thi CCNA. Hãy cân nhắc đến việc xin cấp chi phí từ công ty bạn đang làm với hợp đồng lao động gia hạn trong thời gian dài hơn. Nếu được thì bạn nên hỏi quản lý của bạn để xin trợ cấp phí học các khóa học CCNA và cả chi phí thi. Đổi lại thì sau khi đạt chứng chỉ CCNA bạn sẽ làm cho công ty với một hạn mức thời gian tối thiểu nào đó.
Đạt chứng chỉ CCNA có thể làm gì và mức lương ra sao?
Nội dung của chứng chỉ CCNA khá là cơ bản và toàn diện, đặc biệt là sẽ tập trung về hệ thống thiết bị của Cisco. Do đó, khi hoàn thành chứng chỉ CCNA, bạn có thể đảm nhiệm vị trí cơ bản với rất nhiều vai trò khác nhau. Tùy vào định hướng nghệ nghiệp, bạn có thể lựa chọn được vị trí phù hợp nhất.
Vị Trí | Mức Lương | Mức lương trung bình/ 1 tháng |
Chuyên gia hỗ trợ CNTT | 8M – 21M | 14M |
Chuyên gia mạng | 10M- 30M | 15M |
Quản trị mạng | 11M – 36M | 16M |
Kỹ sự mạng | 14M – 40M | 18M |
Kỹ sư mạng cao cấp | 20M – 50M | 25M |
Các nội dung có trong bài kiểm tra CCNA
Một bài kiểm tra CCNA 200-301 có thời gian 120 phút và được thực hiện bằng tiếng anh và tiếng nhật.
Một bài kiểm tra CCNA được chia thành cac phần nội dung sau:
- Các nguyên tắc cơ bản về mạng (20%): Bao gồm các thông tin về phần mạng như bộ định tuyến, bộ chuyển mạch Switch, kiến trúc cấu trúc liên kết mạng, giao diện vật lý và các loại cáp. Cấu hình IPv4 và IPv6, thông số IP, các nguyên tắc cơ bản về không dây, ảo hóa và chuyển mạch.
- Truy cập mạng (20%): bao gồm định cấu hình và xác minh VLAN, kết nối chuyển mạch, các giao thức khám phá lớp 2 và Etherchanel; Hoạt động của giao thức STP, kiến trúc mạng không dây Cisco, Chế độ AP, các thành phần mạng WLAN vật lý, quản lý truy cập quản lý AP và WLC và các mạng LAN không dây.
- Kết nối IP (25%): Gồm các kiến thức về bảng định tuyến, các cấu hình định tuyến, định cấu hình định tuyến tĩnh IPv4 và IPv6 và OSPFv2, cùng các giao thức dự phòng cho bước nhảy đầu tiên.
- Dịch vụ IP (10%): Gồm các kiến thức về định cấu hình và xác minh NAT và NTP; các tính năng như DHCP, DNS, SNMP và nhật ký hệ thống, Sử dụng SSH, mô tả TFTP/FTP.
- Các nguyên tắc cơ bản về bảo mật (15%): Các khái niệm về các cuộc tấn công và các biện pháp để phòng ngừa, kiểm soát truy cập vật lý, chính sách mật khẩu, danh sách kiểm soát truy cập, tính năng bảo mật lớp 2, giao thức bảo mật không dây.
- Tự động hóa và khả năng lập trình (10%): So sánh mạng truyền thống với mạng dựa trên bộ điều khiển; khái niệm về tự động hóa; diễn giải dữ liệu JSON.
Làm thế nào để có thể có được chứng chỉ CCNA?
Để có được chứng chỉ CCNA, bắt buộc bạn phải tham gia kỳ thi CCNA 200-301 và đạt điểm để vượt qua kỳ thi. Không có yêu cầu nào đối với người thi nhưng Cisco luôn nhắc các ứng viên tham gia kỳ thi nên có những kinh nghiệm nhất định trước khi quyết định tham gia kiểm tra CCNA:
- Có ít nhất 1 năm sử dụng và triển khai các thiết bị và giải pháp của Cisco.
- Có kiến thức cơ bản về địa chỉ IP.
- Kiến thức cơ bản về mạng.
Chứng chỉ CCNA có giá trị trong vòng 3 năm. Khi chứng chỉ hết giá trị sử dụng, ta cần phải thực hiện lại kỳ thi hoặc kiếm được 30 tín chỉ giáo dục thường xuyên từ Cisco.
Cisco còn cung cấp các chứng chỉ nào khác ngoài CCNA?
Ngoài chứng chỉ CCNA, Cisco còn cung cấp thêm 2 chứng chỉ nữa gồm CCT (chứng chỉ kỹ thuật viên Cisco) và CCNP.
- CCT là chứng chỉ cấp đầu vào khác của Cisco. Chứng chỉ này được thiết kế để trang bị các kiến thức hỗ trợ tại chỗ và bảo trì thiết bị mạng. Tuy nhiên, CCT không đi sâu vào các khái niệm trong mạng nên không được săn đón như CCNA. Ngay cả đối với các vị trí CCNT cấp thấp người ta cũng không đánh giá cao chứng chỉ CCT.
- CCNP viết tắt của Cisco Certified Network Professional, đây là chứng chỉ cấp độ tiếp theo của CCNA. Chứng chỉ này đi vào chuyên sâu hơn với một số chuyên ngành riêng. Do đó, bạn có thể lựa chọn để phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình.
So sánh chứng chỉ CCNA với CompTIA Network+
Chứng chỉ CompTIA Network+ cũng giống như chứng chỉ CCNA, đây là chứng chỉ cung cấp các kiến thức mạng. Chứng chỉ này thường được các chuyên gia mạng cố gắng đạt được nhằm nâng cao kỹ năng mạng của họ.
Giữa CCNA và CompTIA Network+ có vài điểm khác chính sau:
- Chứng chỉ CCNA tập trung vào các thiết bị và giải pháp của Cisco. Tuy nhiên CompTIA Network+ có tính trung lập với các nhà cung cấp. Có nghĩa là nếu hoàn thành chứng chỉ CompTIA Network+, bạn có thể làm việc với bất kỳ hệ thống mạng nào cho dù thiết bị hoặc hệ thống đến từ nhà cung cấp nào.
- Chứng chỉ Network+ được nhiều người đánh giá là có tính nền tảng hơn CCNA vì bao gồm nhiều chủ đề kiến thức hơn và đi sâu hơn vào các nội dung cụ thể.
Vậy ta nên lựa chọn chứng chỉ CCNA hay Network+?
Thực tế thì nhiều người lựa chọn thi chứng chỉ CCNA hơn mặc dù nó dành riêng cho thiết bị Cisco. Tuy nhiên, Cisco lại chiếm phần lớn thị phần các thiết bị chuyển mạch (lên tới 47%). Đặc biệt với bộ định tuyến doanh nghiệp Cisco chiếm tới 33% thị phần. Do đó, việc đạt chứng chỉ CCNA sẽ giúp nhiều người có cơ hội việc làm cao và mức lương tốt. Hơn nữa, những người học CCNA nhận định rằng có thể áp dụng kiến thức của CCNA cho các sản phẩm mạng của hãng khác ngoài Cisco.
Chứng chỉ Network+ phù hợp với những người hoàn toàn mới làm quen với mạng hoặc cảm thấy quá khó để vượt qua CCNA. Ta có thể lựa chọn thi chứng chỉ Network+ trước sau đó tiếp tục học CCNA khi đã có kinh nghiệm.
Lộ trình để học và đạt chứng chỉ CCNA
Để có thể đạt được chứng chỉ CCNA, ta cần có một lộ trình nhất định. Dưới đây là lộ trình mà Cisco cung cấp cho ứng viên CCNA của mình:
- Bước 1: Thực hiện qua các bài thi để đánh giá kiến thức hiện tại của bạn để xác định lĩnh vực trọng tâm và xây dựng kế hoạch học tập. Ở bước này bạn cần phải nắm rõ những nội dung cơ bản của một bài kiểm tra CCNA gồm những gì? Tìm đề thi thử và các tài nguyên học tập.
- Bước 2: Học tập và kiểm tra: Sau khi đã biết những thứ cần phải học ở bước 1, bạn cần lên kế hoạch để học tập. Để học bạn có thể tham khảo các nguồn tài liệu tại các trang web chuyên cung cấp kiến thức về CCNA. Hoặc lựa chọn một khóa học CCNA trên Coursera cũng là một lựa chọn tốt.
- Bước 3: Kết nối với cộng đồng học CCNA: Hãy tham gia vào các nhóm CCNA do Cisco tạo ra để tận dụng tài nguyên chia sẻ miễn phí, kinh nghiệm học từ người đi trước và giải đáp các thắc mắc về kiến thức.
- Bước 4: Thực hành: Hãy kiếm một công việc để giúp bạn có thể thực hành các kiến thức đã học. Nếu bạn có phòng thí nghiệm thì là tốt nhất nhưng việc tham gia một công việc sẽ có kinh nghiệm và kiến thức thực tế tốt nhất.
- Bước 5: Tự tiến hành đánh giá: Thực hiện lại các bài kiểm tra thử CCNA để đánh giá tình trạng kiến thức hiện tại của mình và lên kế hoạch bổ sung kiến thức còn thiếu sót.
- Bước 6: Lên lịch kiểm tra CCNA 200-301. Ta có thể đăng ký kỳ thi kiểm tra CCNA online hoặc tại địa điểm cụ thể Pearson VUE có sẵn. Hãy nhớ đọc hướng dẫn thi.
- Bước 7: Kiểm tra giấy chứng nhận: Đăng nhập vào hệ thống và theo dõi để xem trạng thái của chứng nhận. Nếu đạt điểm thì xin chúc mứng bạn vì đã có một trong những chứng chỉ tuyệt vời nhất!
- Bước 8: Luôn trau dồi kiến thức CCNA của bạn với các chương trình giáo dục thường xuyên. Ta có thể cấp lại CCNA sau 3 năm hết hạn với 30 tín chỉ giáo dục thường xuyên.